CÁN BỘ, ĐOÀN VIÊN, CNVCLĐ QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XII CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM !
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Người lao động mong có cơ chế mở về tuổi nghỉ hưu
Người lao động mong có cơ chế mở về tuổi nghỉ hưu

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đưa ra nhiều phương án nhằm hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội 1 lần, tuy nhiên, theo ý kiến của người lao động, tuổi nghỉ hưu mới là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng rút bảo hiểm xã hội 1 lần.

Người lao động mong có cơ chế mở về tuổi nghỉ hưu
Theo ý kiến của người lao động, tuổi nghỉ hưu mới là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Ảnh: Mạnh Cường.

Bà Hoàng Thị Thanh - công nhân ở Nam Định - cho rằng, điều bản thân bà và rất nhiều công nhân khác quan tâm hiện nay chính là tuổi nghỉ hưu. Đợt tăng tuổi nghỉ hưu vừa rồi khiến bà khá hụt hẫng. Đến hiện tại, bà Thanh đã đóng bảo hiểm xã hội được 16 năm. Nếu theo quy định về tuổi nghỉ hưu cũ, bà chỉ cần đóng thêm 4 năm nữa rồi xin nghỉ chờ 3 năm sau, khi đủ 55 tuổi là được nhận lương hưu, nay bà phải chờ đến 60 tuổi.

Bà Thanh kể, ngoài 50 tuổi, đa số công nhân sức khỏe đều giảm sút, hiếm ai cố gắng làm được đến 55 chứ đừng nói 60 tuổi. Nếu chẳng may mất việc cũng chẳng thể cố đi làm tiếp đủ 20 năm. Nữ công nhân mong muốn tuổi nghỉ hưu giảm về 55 như trước sẽ rất có lợi cho người lao động, tránh rút bảo hiểm xã hội 1 lần.

“Đi làm chỉ mong lúc nào cũng ổn định, thuận lợi đến khi nghỉ hưu nhưng sức khỏe yếu không cho phép, công nhân mới xin nghỉ. Nếu tuổi nghỉ hưu là 55, chúng tôi còn có thể chờ được, nhiều người chưa đóng đủ cũng cố gắng đóng thêm bảo hiểm xã hội tự nguyện để hưởng lương hưu" - bà Thanh nói.

60-62 tuổi người lao động mới được nghỉ hưu, nếu nghỉ làm hoặc mất việc ngoài 45, họ rất khó có khả năng xin việc hoặc tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. "Do vậy, không ít công nhân tuổi trung niên chọn rút bảo hiểm xã hội 1 lần để trang trải" - bà Thanh nói.

Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Liên (48 tuổi) cũng cho rằng, người lao động chọn rút bảo hiểm xã hội 1 lần vì không thể chờ đến tuổi hưu. Mặt khác, bà Liên cho hay, tuổi nghỉ hưu cũng đang bị cào bằng.

Bà Liên mong được điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phù hợp với lực lượng công nhân. Ảnh: Mạnh Cường.
Bà Liên mong được điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phù hợp với lực lượng công nhân. Ảnh: Mạnh Cường

“Nếu làm việc như cơ quan Nhà nước, tôi mới có thể gắng được đến 60 tuổi, còn làm công nhân thì không thể” - nữ công nhân khẳng định.

Bà Liên cho rằng, công nhân làm 6 ngày/tuần, làm việc luôn tay chân, bụi bặm, nóng bức, "đuổi hàng", tăng ca đêm, có những lĩnh vực công nhân phải đứng nhiều giờ đồng hồ, không có nhiều thời gian nghỉ ngơi... "Công nhân lao động trực tiếp cần có tuổi nghỉ hưu thấp hơn người dùng đầu óc làm việc" - bà Liên đề xuất.

Hiện tại, bà Liên đã đóng bảo hiểm xã hội được gần 7 năm. Bà chỉ dự tính làm thêm 3 năm nữa rồi nghỉ hẳn công ty làm việc tự do, dù thu nhập thấp bà cũng chấp nhận. Nếu cần đến tiền trước thời gian nghỉ hưu, bà Liên sẽ rút một lần, nếu không, bà sẽ giữ nguyên, đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đến khi đủ 60 tuổi hưởng lương hưu.

Với những lao động trẻ như chị Phạm Thị Ngọc (28 tuổi, Thái Nguyên), phần lớn cũng mong giảm tuổi nghỉ hưu hoặc thay đổi điều kiện hưởng lương hưu.

Theo chị Ngọc, nên tạo cơ chế mở cho người lao động được an vui, khỏe mạnh bên con cháu càng sớm càng tốt. "60 tuổi mới được nghỉ hưu vô tình thu hẹp niềm vui tuổi già của công nhân lao động với con cháu" - chị Ngọc cho hay.

Bên cạnh đó, chị Ngọc cũng đề xuất đóng đủ 30 năm với nữ, 35 năm với nam (mức giới hạn tối đa) thì được nghỉ hưởng lương hưu ngay mà không phải chờ đủ tuổi.

"Bởi hiện nay có rất nhiều người đi làm từ khi còn rất trẻ, sức khỏe đã hao mòn quá nhiều. Cố gắng làm việc hay chờ đợi đến khi đủ tuổi nghỉ hưu sẽ thiệt thòi cho người lao động. Ngoài ra, tôi cho rằng, giảm tuổi nghỉ hưu sẽ phần nào hạn chế được tình trạng rút bảo hiểm xã hội" - chị Ngọc nhận định.

Tuổi nghỉ hưu cao là nguyên nhân khiến người lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần? Bạn đọc có quan điểm về vấn đề này xin gửi về email toà soạn: toasoan@laodong.com.vn.

https://laodong.vn/ban-doc/nguoi-lao-dong-mong-co-co-che-mo-ve-tuoi-nghi-huu-1240773.ldo

MẠNH CƯỜNG (BÁO LAO ĐỘNG)

 
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH NAM ĐỊNH
Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định số 02/GP-STTTT ngày 06/5/2020
Người chịu trách nhiệm:  Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nam Định
Địa chỉ: Số 01 Hà Huy Tập, Phường Ngô Quyền, Thành phố Nam Định
 Số điện thoại: 0228.3849663 - Fax: 0228.3849663