CÁN BỘ, ĐOÀN VIÊN, CNVCLĐ QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XII CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM !
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Nâng cao chất lượng đánh giá, xếp loại tổ chức công đoàn hiện nay

Các cấp công đoàn hiện nay phải chủ động đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động để đáp ứng kỳ vọng của đoàn viên và NLĐ, nâng cao hơn nữa chất lượng đánh giá, xếp loại tổ chức.

Hoạt động Công đoàn Việt Nam trong những năm tới, với quá trình cạnh trạnh và hội nhập quốc tế có nhiều cơ hội, song cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đan xen, nhất là khi Việt Nam thực hiện cam kết CPTPP, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, người lao động (NLĐ) có quyền lựa chọn tham gia tổ chức công đoàn khác đại diện cho mình. Điều này đòi hỏi các cấp công đoàn hiện nay phải chủ động đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động để đáp ứng kỳ vọng của đoàn viên và NLĐ, nâng cao hơn nữa chất lượng đánh giá, xếp loại tổ chức.

Ở công đoàn cơ sở (CĐCS), các nội dung đánh giá bám sát nhiệm vụ triển khai thực hiện theo 4 nhóm nội dung, trước hết là công đoàn đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích của đoàn viên và NLĐ; thực hiện đối thoại, thương lượng tập thể, TƯLĐTT, giải quyết tranh chấp lao động (theo các nội dung quy định tại Khoản 1, Điều 188, BLLĐ); chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tăng cường phúc lợi, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe cho NLĐ. Hai là, tuyên truyền, phổ biến, vận động đoàn viên và NLĐ chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chủ trương, Nghị quyết của Công đoàn; tổ chức phong trào thi đua, hoạt động văn hóa, thể thao, xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội. Ba là, tập hợp ý kiến, nguyện vọng của đoàn viên và NLĐ để đề xuất, phối hợp giải quyết kịp thời; tư vấn pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích của đoàn viên và NLĐ; tham gia tố tụng các vụ án theo quy định của pháp luật. Bốn là, tham gia xây dựng, kiểm tra, giám sát thực hiện nội quy, quy chế nội bộ; phối hợp thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, quy chế phối hợp hoạt động; giám sát thực hiện quy định pháp luật bảo đảm quyền, lợi ích của đoàn viên và NLĐ. Cuối cùng là phát triển và quản lý đoàn viên, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh; Quản lý và sử dụng tài chính, tài sản của công đoàn; Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định[1].

Trong mỗi loại hình CĐCS, ngoài những nhiệm vụ chung theo hướng dẫn của TLĐ, các nội dung đánh giá chi tiết có những đặc điểm riêng để nhấn mạnh tính đặc thù hoạt động phù hợp với tính chất nghề nghiệp và điều kiện công việc của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Đối với CĐCS trong khối hành chính, sự nghiệp công lập, tổ chức đảng, đoàn thể chính trị xã hội, coi trọng nội dung thực hiện quy chế dân chủ, tổ chức hội nghị cán bộ công chức, viên chức; tham gia quản lý nhà nước, phát động phong trào thi đua yêu nước, cải cách thủ tục hành chính, phát hiện, ngăn chặn tiêu cực tham nhũng, phối hợp xây dựng chính sách pháp luật, phản biện xã hội. Trong xây dựng tổ chức CĐCS, tỷ lệ NLĐ gia nhập công đoàn, CĐCS vững mạnh, đào tạo bồi dưỡng cán bộ công đoàn ... cũng có tỷ lệ cao hơn từ 20 – 25% so với loại hình ngoài quốc doanh khi đạt điểm tối đa. Trong tuyên truyền cũng có yêu cầu cao hơn, toàn diện hơn về chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước.

Đối với CĐCS trong các doanh nghiệp, nhất là khu vực ngoài nhà nước, FDI thì nội dung đại diện bảo vệ quyền, lợi ích của đoàn viên và NLĐ, củng cố tổ chức, phát triển đoàn viên cần được chú trọng hơn các loại hình khác (được quy định chi tiết tại Điều 10, LCĐ năm 2012). Tập trung vào hỗ trợ NLĐ ký kết HĐLĐ, thương lượng thỏa ước, xây dựng quy chế phối hợp (trả lương, thưởng, đối thoại, phân phối phúc lợi, giải quyết tranh chấp); giám sát thực hiện chính sách, an toàn vệ sinh lao động. Trong công tác tuyên truyền tập trung chủ yếu vào chế độ chính sách pháp luật liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của NLĐ, giáo dục ý thức thực hiện nội quy, quy chế nội bộ, chấp hành kỷ luật lao động, rèn luyện tác phong công nghiệp.

Đối với tổ chức nghiệp đoàn, các nội dung yêu cầu cần tập trung vào tìm kiếm tạo việc làm, giúp đỡ tương trợ lẫn nhau, tập hợp kiến nghị đoàn viên, NLĐ đề xuất với chính quyền, chủ sử dụng lao động giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống, cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu tai nạn lao động, tệ nạn xã hội.

Ở công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thì các nội dung đánh giá tập trung vào nhiệm vụ đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và NLĐ theo quy định của pháp luật; tuyên truyền, vận động đoàn viên và NLĐ thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết công đoàn thuộc phạm vi đảm nhiệm. Hướng dẫn, hỗ trợ ban chấp hành CĐCS, nghiệp đoàn: về nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp, nội dung tổ chức thực hiện nhiệm vụ, các chủ trương, nghị quyết của công đoàn; tổ chức đối thoại, thương lượng tập thể, TƯLĐTT. Phát triển và quản lý đoàn viên, CĐCS; vận động, hỗ trợ thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn; tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ CĐCS, nghiệp đoàn; đánh giá, xếp loại tổ chức công đoàn hàng năm.  Tham gia với chính quyền, chuyên môn đồng cấp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên và NLĐ; phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách của NLĐ; tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp lao động. Quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công đoàn thuộc cấp mình; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của pháp luật và của TLĐ.

Tương tự như đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động CĐCS, đối với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, nội dung xây dựng và thực hiện kế hoạch công tác cần bám sát chức năng, nhiệm vụ được quy định trong Điều lệ và Nghị quyết công đoàn, kết hợp đặc điểm tình hình nghề nghiệp, vừa bám sát nhiệm vụ công đoàn và nhiệm vụ chính trị của cơ quan cơ bản như nhau đối với các loại hình bảo đảm khoa học, sát thực và có tính khả thi. Song một số nội dung đánh giá, xếp loại khác cần xây dựng tiêu chí thể hiện rõ tính đặc thù theo tính chất và phạm vi quản lý CĐCS trực thuộc.

Ở LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành TW và tương đương thì tập trung đánh giá về công tác tuyên truyền và đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn; triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của công đoàn cấp mình và của TLĐ.

Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và NLĐ thuộc phạm vi quản lý; tham gia với cấp ủy, chính quyền, chuyên môn đồng cấp xây dựng chế độ, chính sách có liên quan đến NLĐ; tổ chức phong trào thi đua yêu nước và các hoạt động xã hội.

Phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp đến đoàn viên, NLĐ trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; hướng dẫn và chỉ đạo giải quyết tranh chấp lao động, điều tra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý.

Chỉ đạo công đoàn cấp dưới (công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và CĐCS trực thuộc) thực hiện các nhiệm vụ công đoàn theo quy định; phối hợp chặt chẽ với công đoàn cùng cấp, chính quyền, chuyên môn vận động đoàn viên và NLĐ rèn luyện, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghề nghiệp; tổ chức các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao, các cơ sở văn hoá công nhân, các cơ sở dạy nghề, giới thiệu việc làm và tư vấn pháp luật cho NLĐ.

Thực hiện quy hoạch, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và thực hiện chính sách đối với cán bộ được phân cấp quản lý. Hướng dẫn, chỉ đạo phát triển và quản lý đoàn viên, đánh giá, xếp loại tổ chức công đoàn hằng năm theo hướng dẫn của TLĐ.

Thực hiện công tác đối ngoại theo quy định của TLĐ; Quản lý và sử dụng tài chính, tài sản, hoạt động kinh tế, thực hiện chế độ thông tin báo cáo theo theo quy định của pháp luật và của TLĐ.

Như vậy, đối với các tổ chức cấp LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành TW và tương đương, ngoài việc thực hiện các nội dung (hay nhóm tiêu chí) như: Chỉ đạo hoạt động công đoàn cấp dưới; tham gia xây dựng, phối hợp kiểm tra giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật; quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công đoàn, hướng dẫn đánh giá, xếp loại tổ chức, công tác đối ngoại là nội dung quan trọng cần được quan tâm đánh giá. Nhưng mỗi loại hình đặc thù khác nhau, quản lý công đoàn trực thuộc khác nhau theo tính chất công việc, nghề nghiệp và điều kiện hoạt động thì ngoài những nội dung chung, cần có các tiêu chí cụ thể riêng (với một tỷ lệ phù hợp) để các nội dung đánh giá được đầy đủ và sát với thực tiễn.

Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam có nội dung quan trọng được các cấp công đoàn quan tâm đó là “tăng cường phúc lợi đoàn viên”. Đây được coi là một trong những khâu đột phá sẽ xây dựng đề án và chương trình hành động cụ thể theo tinh thần: “Đẩy mạnh chương trình phúc lợi đoàn viên công đoàn, triển khai có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác, chủ động tìm kiếm đối tác mới với các sản phẩm dịch vụ mới, tổ chức đàm phán, ký kết mang lại nhiều lợi ích tốt hơn cho đoàn viên công đoàn. Mỗi cấp công đoàn phải xây dựng đề án, kế hoạch thực hiện Chương trình phúc lợi đoàn viên để cụ thể hóa lợi ích vật chất, lợi ích tinh thần, lợi ích chính trị mà tổ chức Công đoàn mang lại cho đoàn viên trong địa bàn, lĩnh vực, tổ chức mình”[2]. Do đó, ngoài việc đại diện bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, NLĐ và các nội dung khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn cần đưa vào tiêu chí đánh giá, xếp loại của các cấp công đoàn nội dung: “chăm lo lợi ích thiết thực cho đoàn viên và người lao động”.

http://www.congdoan.vn/tin-tuc/nghien-cuu-trao-doi-524/nang-cao-chat-luong-danh-gia-xep-loai-to-chuc-cong-doan-hien-nay-570401.tld

ThS. Trần Tố Hảo – Viện CNCĐ

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH NAM ĐỊNH
Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định số 02/GP-STTTT ngày 06/5/2020
Người chịu trách nhiệm:  Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nam Định
Địa chỉ: Số 01 Hà Huy Tập, Phường Ngô Quyền, Thành phố Nam Định
 Số điện thoại: 0228.3849663 - Fax: 0228.3849663