Tính đến cuối năm 2021, cả nước có 519 nghiệp đoàn cơ sở thuộc hệ thống Công đoàn Việt Nam

Đoàn viên Nghiệp đoàn Xích lô du lịch Huế bày tỏ tâm tư, nguyện vọng tại buổi gặp mặt với lãnh đạo Tỉnh ủy
Nghiệp đoàn cơ sở tập hợp những người lao động (NLĐ) tự do hợp pháp cùng ngành nghề, theo địa bàn hoặc theo đơn vị sử dụng lao động, được thành lập khi có từ 05 NLĐ trở lên, có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam[1]. Tính đến cuối năm 2021, cả nước có 519 nghiệp đoàn cơ sở thuộc hệ thống Công đoàn Việt Nam[2], thành lập tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực như: đánh bắt – chế biến thủy hải sản, dịch vụ vận tải cá nhân, bốc xếp hàng hóa, vệ sinh môi trường, giáo viên mầm non…
Nghiệp đoàn có nhiệm vụ đại diện cho đoàn viên quan hệ với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên; tập hợp ý kiến, nguyện vọng của đoàn viên để tìm giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ hoặc phản ánh kiến nghị, đề nghị người có thẩm quyền giải quyết[3]. Tuy nhiên, thực tế hiện nay hoạt động nghiệp đoàn vẫn còn nhiều hạn chế, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của đoàn viên.
Theo kết quả khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn năm 2020 cho thấy, đa phần người lao động vẫn chưa tin tưởng và nhận thức hết các lợi ích của việc tham gia các tổ chức đại diện nghề nghiệp, họ cho biết rằng nếu có lợi ích thiết thực thì họ mới tham gia. Ở đây các nhóm mà đề tài khảo sát được hiểu là các nhóm có nhiều mối kết nối mang tính liên kết nghề nghiệp thấp và không chính thức, đồng thời cách thức liên kết của các nhóm lao động khu vực phi chính thức cũng tương đối khác biệt. Theo đó, chỉ có 26,7% lao động phi chính thức được khảo sát đang tham gia vào ít nhất một nhóm có tính chất “kết nối” nghề nghiệp, cụ thể phân chia theo ngành nghề và sắp xếp tỷ lệ tham gia theo thứ tự từ cao xuống thấp thì ở vị trí đầu tiên là nhóm bốc xếp tại chợ nông sản đầu mối (44,4%), xe ôm công nghệ (38,1%), nhóm bốc xếp tại cảng (23,5%), xe ôm truyền thống (22,2%) và nhóm giúp việc gia đình thấp nhất, chỉ chiếm 2,7%.
Các mối liên kết này mang tính tự nguyện và hỗ trợ, giúp đỡ giải quyết được một số vấn đề nhỏ của thành viên. Tuy nhiên, mức độ liên kết và khả năng liên kết mang tính tự phát nên cũng gặp nhiều hạn chế. Phần lớn người lao động khu vực phi chính thức không có tổ chức đại diện chính thức bảo vệ quyền lợi, họ chỉ gắn kết với nhau ở quy mô nhỏ, và cách thức tổ chức hoạt động còn tự phát: phổ biến là các nhóm từ 10 – dưới 20 người, chiếm 41,2%; tiếp theo là các nhóm có quy mô từ 5 – dưới 10 người, chiếm 23,5% và các nhóm liên kết có trên 30 người chỉ chiếm 11,7%.
Đối với các nghiệp đoàn cơ sở đã thành lập, Ban Chấp hành cũng không thể thực hiện được công tác tư vấn pháp luật, kịp thời giải đáp các vướng mắc của đoàn viên, nhiều đoàn viên. Họ mới thực hiện được một số việc: hỗ trợ đoàn viên mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn để bảo vệ an toàn tính mạng trong quá trình hành nghề. Một số công đoàn cấp trên tổ chức các hoạt động tập huấn về chính sách, pháp luật liên quan đến ngành nghề hoạt động của nghiệp đoàn nhưng không thu hút được đoàn viên tham gia vì bận và điều kiện làm việc không tập trung.

Nghiệp đoàn xe ôm thị xã Ninh Hòa tỉnh Khánh Hòa
Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới đã đề ra giải pháp “có mô hình phù hợp thu hút, tập hợp, bảo vệ người lao động ở khu vực phi chính thức”. Vì vậy, về mặt lý luận, để việc thành lập và tổ chức hoạt động hiệu quả, nghiên cứu nhận thấy cần xác định được các yếu tố cấu thành nhu cầu thành lập và yếu tố cấu thành việc duy trì hoạt động hiệu quả của nghiệp đoàn như sau:
Nhóm yếu tố xác định nhu cầu thành lập tổ chức nghiệp đoàn hoặc có tính chất nghiệp đoàn (yếu tố đầu vào):
Một là, NLĐ có nhu cầu và mong muốn thành lập nghiệp đoàn (tính tự nguyện): việc xác định được nhu cầu và mong muốn của NLĐ khi thành lập nghiệp đoàn là rất quan trọng, mỗi lao động phi chính thức họ sẽ có những nhu cầu và mong muốn khác nhau và tổ chức không thể đảm bảo toàn bộ. Tuy nhiên, việc biết cách tìm hiểu, lắng nghe, tổng hợp chắt lọc những mong muốn đó của họ trở thành mục tiêu hoạt động của tổ chức thì việc thành lập nghiệp đoàn sẽ được sự ủng hộ hoàn toàn của mọi người.
Hai là, khả năng tự bảo vệ bản thân khi bị xâm phạm quyền và lợi ích trong lao động: bản thân tính chất, đặc điểm công việc, điều kiện làm việc của NLĐ làm phát sinh nhu cầu khách quan cần có một tổ chức được thành lập ra để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, đặc biệt khi có sự vi phạm hoặc có nguy cơ bị xâm phạm quyền lợi; những lao động này là đối tượng yếu thế, không có khả năng tự đàm phán, giải quyết các vấn đề liên quan đến việc bị vi phạm hoặc ảnh hưởng xấu đến quyền lợi thường xuyên.
Ba là, môi trường và điều kiện phù hợp cho việc phát sinh và hình thành nhu cầu thành lập tổ chức: (1) Sự tương tự nhau về quan hệ việc làm, kỹ năng, vị thế của lao động; (2) Sự gần gũi về địa lý và thị trường lao động; (3) Có sự dịch chuyển lao động giữa các đơn vị với nhau hoặc trong cùng một ngành; (4) Đã tồn tại hoặc có sẵn các hình thức liên kết và các yếu tố liên kết tự nhiên khác; (5) Năng lực của công đoàn và các cơ quan, tổ chức hỗ trợ khác tại địa phương ở mức tốt cho việc vận động, thành lập.
Nhóm yếu tố cấu thành việc duy trì hoạt động hiệu quả của nghiệp đoàn (yếu tố đầu ra):
Thứ nhất, khả năng thu hút NLĐ vào nghiệp đoàn: để NLĐ thực sự mong muốn tham gia nghiệp đoàn thì cần phải có những chính sách, hoạt động hỗ trợ, thu hút người tham gia; đồng thời có các hình thức, phương pháp tuyên truyền linh hoạt, hợp lý đối với từng đối tượng lao động khác nhau (như hỗ trợ tư vấn tham gia, hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, hỗ trợ tìm kiếm việc làm, hỗ trợ tìm nhà trọ…).
Thứ hai, khả năng tự duy trì hoạt động của các nghiệp đoàn này sau khi thành lập. Nó phụ thuộc vào 04 yếu tố cơ bản sau: (1) Năng lực quản trị: Nhằm giúp nghiệp đoàn đạt được mục tiêu chung, tạo lập và duy trì một môi trường thuận lợi nhất cho mỗi đoàn viên, phát huy được tối đa năng lực của mỗi đoàn viên - nguồn lực chính của nghiệp đoàn ; (2) Đội ngũ cán bộ: là những người thực sự bản lĩnh, luôn gương mẫu trong mọi hoạt động, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, định hướng công tác của nghiệp đoàn cơ sở, có vai trò thủ lĩnh dẫn dắt đoàn viên tham gia các hoạt động, sinh hoạt đảm bảo không trái quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam và quy định của pháp luật; (3) Năng lực liên kết các đối tác, với Công đoàn cấp trên: nghiệp đoàn cơ sở cần có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ với công đoàn cấp trên, chính quyền địa phương trực tiếp quản lý nhằm thuận tiện hơn trong việc vận động những lao động cùng ngành nghề tham gia; và (4) Nguồn lực tài chính và cơ sở hạ tầng: để đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của nghiệp đoàn, Công đoàn Việt Nam, chính quyền và các cơ quan chức năng của Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện về kinh phí; nghiên cứu các phương pháp tạo nguồn thu cho nghiệp đoàn hoạt động đúng quy định pháp luật.
Thứ ba, năng lực của tổ chức công đoàn và các cơ quan, tổ chức hỗ trợ khác tại địa phương ở mức tốt cho việc hướng dẫn, đạo tạo, hỗ trợ hoạt động lâu dài cho các nghiệp đoàn: Công đoàn các cấp cần tăng cường phối hợp với các ban ngành, chính quyền, đoàn thể liên quan xây dựng kế hoạch hành động, thường xuyên tổ chức đánh giá kết quả hoạt động của các nghiệp đoàn cơ sở nhằm phát huy những hoạt động hiệu quả và đề ra giải pháp cho hoạt động còn hạn chế.
Trong các yếu tố cấu thành duy trì hoạt động hiệu quả ở trên, yếu tố về khả năng thu hút NLĐ và yếu tố khả năng tự duy trì hoạt động của nghiệp đoàn đóng vai trò quan trọng nhất và có quan hệ mật thiết với nhau. Nếu không thu hút được đoàn viên thì sẽ không duy trì được hoạt động. Mặt khác, nếu hoạt động yếu kém, thành lập ra mà không hoạt động thực tế, hiệu quả thì không những không thu hút được đoàn viên mới, mà đối với đoàn viên cũ còn mất đi sự tin tưởng, gắn bó và sẽ rời bỏ tổ chức.
http://www.congdoan.vn/tin-tuc/nghien-cuu-trao-doi-524/nghien-cuu-cac-yeu-to-xac-dinh-nhu-cau-thanh-lap-va-duy-tri-hoat-dong-cua-nghiep-doan-trong-khu-vuc-phi-chinh-thuc-688333.tld
Theo congdoan.vn